Ảnh internet |
Tâm sự với nhạc sĩ, nghe ông kể nhiều về thời chống Pháp, những ngày hoạt động văn hóa nghệ thuật tại tuyên Quang, Hà Giang… tôi càng thêm đam mê các tác phẩm âm nhạc do ông sáng tác. Ông là nhạc sĩ đã có nhiều đóng góp cho nền âm nhạc cách mạng với những tác phẩm giá trị. Chủ yếu thời kỳ từ năm 1947 đến năm 1954 và ông vẫn sáng tác cho mãi tới khi đã ở cái tuổi “cổ lai hy”. Các nghệ sĩ khác đánh giá về nhạc sĩ La Thăng: “Âm nhạc của La Thăng trong sáng lạc quan và giàu chất trữ tình…”. Nhiều tác phẩm của ông chiếm được cảm tình của đông đảo nhân dân và giới học sinh, sinh viên. Nhạc sĩ La Thăng đã có gần 60 năm sáng tác liên tục từ kháng chiến chống Pháp tới cuộc đấu tranh đánh Mỹ giải phóng dân tộc và cho đến nay đã 76 tuổi, ông vừa cho ra đời tác phẩm Hạ Long tôi yêu (viết cho hợp xướng và dàn nhạc Nhà hát nhạc vũ kịch trung ương). Ông đã cần mẫn như “con ong làm mật ngọt cho đời”; đã sáng tác hơn 150 tác phẩm và nhận 18 giải thưởng về âm nhạc. Điều có ý nghĩa hơn là các tác phẩm của ông được đồng nghiệp đánh giá cao và đi vào cuộc sống tình cảm, lòng yêu quê hương, yêu tổ quốc tha thiết của mỗi người dân. Đó là các tác phẩm; “Quê hương”- tổ khúc 4 chương cho violon và piano, Ca mừng đời ta tươi đẹp, Niềm vui giải phóng… đặc biệt ca khúc “Du kích làng Nguyễn đánh giặc” được Đoàn ca múa trung ương biểu diễn cho Bác Hồ xem tại Phủ Chủ Tịch, Bác rất khen ngợi và cười vui sảng khoái. Năng lực âm nhạc của ông rực rỡ nhất thể hiện trong cuộc kháng chiến chống Pháp. Năm 18 tuổi ông đã được nhận giải thưởng Quốc phòng về tác phẩm “Ông già Bình Giang”, ông vừa sáng tác vừa tự học và tốt nghiệp Đại học sáng tác âm nhạc lớp đầu tiên của Nhạc Viện Hà Nội. Tuổi thơ La Thăng sống ở thành phố, sau đó ông rời chốn thành thị trở thành thành viên trong Đoàn Thiếu nhi nghệ thuật tham gia kháng chiến, được nhạc sĩ Lưu Hữu Phước dìu dắt, giúp đỡ từ bước đi đầu tiên để trở thành một nhạc sĩ có tên tuổi trong dòng chảy âm nhạc Việt Nam. Tôi ngồi trò truyện với nhạc sĩ già khá lâu và nhận thấy ông tuy đã cao tuổi nhưng nhiệt huyết về âm nhạc vẫn tràn đầy sự trẻ trung. Ông nói năng khiêm tốn, thân mật. Ông lấy trong ngăn tủ tặng tôi một số đĩa CD các tác phẩm âm nhạc của ông. Ông lại tìm trong ngăn tủ lấy ra một quyển sách chép tay, mực đã phai màu, trang bìa viết đậm dòng chữ “Chùm bài hát binh vận” của La Thăng (thời kỳ 1967-1968) với các tác phẩm Đô thành vùng lên, Mừng có thêm anh trong bóng đoàn quân, Chờ đón anh… Nhiều nhạc sĩ thời chiến tranh chống Mỹ cho rằng các tác phẩm này đều đã được phát liên tục trên sóng phát thanh Đài tiếng nói Việt Nam và khi nghe những bài hát này, rất đông ngụy quân, ngụy quyền đã bỏ hàng ngũ địch về với cách mạng.
Tạm biệt vợ chồng nhạc sĩ, tôi hỏi: “Thưa ông với hơn 150 tác phẩm âm nhạc, quả là ông đã cống hiến nhiều cho nền âm nhạc nước nhà. Ngoài 18 tác phẩm đã được nhận giải thưởng, sắp tới ông có được nhận giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật không ạ?”. Ông cảm động nói giọng chùng xuống: “Hình như Hội nhạc sĩ Việt Nam chuyển tên La Thăng lên hội đồng Quốc gia “chậm”. Đợt xét giải thưởng lần này là mốc đánh giá hơn nửa thế kỷ đối với các nhạc sĩ. Nhưng chẳng sao đâu. Mình cứ nghĩ là mình làm được gì, góp phần bé nhỏ về âm nhạc cho Đảng, cho dân và cho Đất nước. Lịch sử sẽ phán xét anh bạn ạ!”. Và ông cười rất tươi…/
Báo Pháp luật số 190- Ngày 09/08/2006
- Thi đàn Việt Nam
Update Required
To play the media you will need to either update your browser to a recent version or update your Flash plugin.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét